Tin Chi Tiết
Phát triển CN Cơ khí Hải Phòng: Định hướng đúng và giải pháp thiết thực
Là thành phố công nghiệp, có cảng biển lớn nhất phía Bắc, Hải Phòng được coi là một địa phương có nền công nghiệp cơ khí phát triển. Đã có một thời gian khá dài, công nghiệp cơ khí luôn giữ vị trí số 1, là thế mạnh của thành phố với sự phát triển khá nhanh, có nhiều sản phẩm đặc trưng và có bước tiến lớn về kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, công nghiệp cơ khí nói chung và nhiều doanh nghiệp cơ khí của Hải Phòng nói riêng có biểu hiện mai một, mất dần vị thế trên thị trường. Hướng đi nào để khôi phục và mang lại hiệu quả cho ngành công nghiệp cơ khí Hải Phòng đang được đặt ra khá cấp thiết cùng với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngày: 13/07/2013

Là thành phố công nghiệp, có cảng biển lớn nhất phía Bắc, Hải Phòng được coi là một địa phương có nền công nghiệp cơ khí phát triển. Đã có một thời gian khá dài, công nghiệp cơ khí luôn giữ vị trí số 1, là thế mạnh của thành phố với sự phát triển khá nhanh, có nhiều sản phẩm đặc trưng và có bước tiến lớn về kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, công nghiệp cơ khí nói chung và nhiều doanh nghiệp cơ khí của Hải Phòng nói riêng có biểu hiện mai một, mất dần vị thế trên thị trường. Hướng đi nào  để khôi phục và mang lại hiệu quả cho ngành công nghiệp cơ khí Hải Phòng đang được đặt ra khá cấp thiết cùng với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhiều nhưng chưa mạnh

Theo Sở Công Thương, Hải Phòng có tới gần 1900 cơ sở sản xuất ngành công nghiệp cơ khí, tăng nhiều so với trước đây. Nếu tính theo số doanh nghiệp thì có khoảng gần 500 đơn vị. Trong đó, nhiều nhất vẫn là các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sau đó là sản xuất phương tiện vận tải; sản xuất xe có động cơ; sản xuất máy móc thiết bị; sản xuất dụng cụ y tế, dụng cụ chính xác… Đã có thời kỳ, số lao động trong ngành cơ khí lên tới gần 47.000 người, chiếm gần 27% tổng số lao động của ngành công nghiệp.

Ngành công nghiệp cơ khí cũng có thời hoàng kim khi tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức cao, tính bình quân thời kỳ 2006- 2010 là 13,92% nhờ sự đóng góp chủ chốt của ngành sản xuất máy móc và thiết bị điện, ngành đóng tàu, sản xuất sản phẩm từ kim loại; sản xuất sửa chữa xe có động cơ; sản xuất máy móc thiết bị… Không những thế, ngành có sự vươn lên mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng, có lúc lên tới hơn 50%.

Sản phẩm cơ khí của Hải Phòng chủ yếu là tàu thủy và phương tiện nổi các loại, kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn (siêu trường, siêu trọng), các máy công cụ nhỏ cho sản xuất công nghiệp (tiện, khoan, đột, dập…); máy bơm, các loại máy phục vụ nông nghiệp (xay xát, tuốt lúa…); thiết bị phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng (máy trộn bê tông, trộn vữa, băng tải, nghiền bi, nghiền đất…); động cơ đi- ê- den, các linh kiện cho bộ phận máy phát điện và tua- bin điện gió, thiết bị lẻ chuyên dùng, thiết bị điện gia dụng, dây và cáp điện, dây dẫn điện cho xe ô tô, ô tô, xe máy, quạt điện… Hải Phòng cũng tự hào vì nhờ sự phát triển của công nghiệp cơ khí mà đã đóng thành công các tàu trọng tải lớn tới 53.000 DWT, kho nổi chứa dầu 150.000 DWT cùng nhiều sản phẩm nổi bật khác.

Tuy nhiên, đánh giá chung, ngành công nghiệp cơ khí của Hải Phòng còn nhiều hạn chế về trang thiết bị và trình độ công nghệ. Do thiếu vốn đầu tư nên nhiều cơ sở sản xuất sử dụng trang thiết bị chưa đồng bộ, chất lượng và tính đa dạng của sản phẩm thấp, đơn điệu. Các khâu công nghệ cơ bản như đúc, rèn dập, hàn, nhiệt luyện, bảo vệ bề mặt, gia công cơ khí, cắt gọt kim loại… còn ở trình độ thấp. Trong khi đó, khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mới các sản phẩm cơ khí còn hạn chế. Thành phố cũng như các doanh nghiệp chưa thu hút được các dự án đầu tư sản xuất máy chuyên dụng, máy công cụ, động cơ máy nổ, máy thủy, động cơ điện, khuôn đúc, hợp kim cao cấp, cơ khí chính xác. Cũng do hạn chế về quy mô, năng lực, nhân lực nên các doanh nghiệp chưa sẵn sàng tận dụng các cơ hội do hội nhập đưa lại, bị động trước các hàng rào bảo hộ, tiêu chuẩn môi trường do các nước dựng lên, luôn ở thế yếu khi gặp phải tranh chấp thương mại…


Sản phẩm quạt điện của Công ty CP Điện cơ Hải Phòng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Sản phẩm quạt điện của Công ty CP Điện cơ Hải Phòng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

 

Doanh nghiệp chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm

Giám đốc Công ty TNHH Hồng An Tô Ngọc Thạch cho biết, những năm gần đây, thị trường bị thu hẹp do những khó khăn của ngành đóng tàu, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, mặc dù công ty năng động, tích cực đôn đáo tìm đầu ra cho sản phẩm và giữ ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động, nhưng nói tới khả năng tăng trưởng, lợi nhuận thì rất dè dặt. Theo ông Thạch, vấn đề cốt lõi vẫn là thị trường, kèm theo đó là năng lực của doanh nghiệp. Do ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi vốn của doanh nghiệp có hạn, lãi vay ngân hàng quá cao, mà sản xuất chỉ mang tính đơn lẻ là chính nên doanh nghiệp ngại đầu tư. Hơn nữa, công nghiệp phụ trợ cho ngành cơ khí của Hải Phòng còn mỏng và yếu, có nhiều chi tiết cần thiết doanh nghiệp phải đặt mua tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Thạch khá tự tin về trình độ cơ khí của doanh nghiệp và cho rằng, nếu khách hàng muốn đặt hàng thay thế hàng nhập ngoại, đơn vị sẽ làm được ngay với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua của nước ngoài, nhưng để có được đơn hàng cũng không đơn giản.

Công ty cổ phần cơ khí chế tạo Hải Phòng ( trước đây là Nhà máy cơ khí chế tạo Hải Phòng) từng khá nổi tiếng trong nước với các sản phẩm cơ khí chế tạo, nay cũng đang loay hoay tìm đường ra cho sản phẩm. Theo lãnh đạo công ty, các sản phẩm vốn là thế mạnh của đơn vị như máy tiện vạn năng, máy phay, máy tiện chuyên dùng các loại, máy khoan bàn, máy cắt đột liên hợp…, sức tiêu thụ giảm nhiều so với trước đây. Công ty cũng tìm mọi biện pháp thúc đẩy tiêu thụ, chủ động tìm tới các khách hàng, tìm hướng xuất khẩu đến các thị trường Thái Lan, Đài Loan và Hoa Kỳ; chuyển hướng sản xuất một số mặt hàng phù hợp với thị trường như phụ tùng xe máy…, nhưng ngay năm 2012 không đặt mục tiêu tăng trưởng, cố gắng giữ ổn định.

Cơ khí Duyên Hải cũng là một tên tuổi có tiếng của Hải Phòng nhưng lâu nay có phần “ chìm” đi ít nhiều, phần vì ngành nghề cơ khí không còn thịnh vượng như trước, các sản phẩm chính của đơn vị như hộp giảm tốc các loại, các sản phẩm cơ khí, khung nhà xưởng, kết cấu thép, thiết bị nâng hạ,  các sản phẩm bơm bùn… giảm lượng tiêu thụ. Công ty sớm chuyển hướng, liên doanh với hãng HanJing (Hàn Quốc) thành lập Công ty công nghiệp nặng Hàn Việt chuyên sản xuất hàng cơ khí siêu trường, siêu trọng, nhưng năm 2012 đã chuyển nhượng hết phần vốn cho đối tác Hàn Quốc. Tuy đã chủ động tìm kiếm nhiều việc làm ngoài những sản phẩm truyền thống, nhưng nhìn chung, hoạt động cũng khá chật vật. 

Nhiều sản phẩm cơ khí tiêu dùng khác của Hải Phòng như quạt Phong Lan, cân Hải Phòng… cũng phải “ nếm” những “trái đắng” của thị trường, của sự cạnh tranh và cho dù có cố “ vùng vẫy” vẫn khó có thể trở lại thời hoàng kim trước đây…

                               

 

 Thực tế của Hải Phòng và cả nước cho thấy, có những thời kỳ, ngành cơ khí được đặt ở vị trí rất quan trọng. Nhưng từ khi chuyển sang cơ chế kinh tế mới, nhất là những năm gần đây, sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí ngày càng khó khăn. Các doanh nghiệp phải tự tìm lối thoát bằng mọi cách, làm chậm bước tiến vốn có của ngành, làm mai một lực lượng cán bộ kỹ thuật… Những yếu kém trên, dẫn tới một thực trạng là phụ thuộc vào nguồn máy móc, thiết bị nhập khẩu, trong khi có nhiều loại, doanh nghiệp trong nước có thể đảm đương…

Cần những giải pháp phù hợp

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hải Phòng, trong giai đoạn hội nhập, vẫn rất cần có bàn tay của Nhà nước nhằm thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng và phát triển ngành cơ khí, thể hiện trong cơ chế chính sách và lộ trình, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, nhà thầu hoặc tổ hợp nhà thầu trong nước phát huy tối đa năng lực, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Chẳng hạn, rà soát, sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng máy móc thiết bị trong dây chuyền thiết bị của dự án cần được phân ra phần thiết bị chính bảo đảm chất lượng công nghệ cao được đấu thầu quốc tế, có chỉ định xuất xứ hàng hóa. Còn phần thiết bị phụ, kết cấu thép có khả năng chế tạo trong nước, nên sử dụng vật tư, sản phẩm cơ khí của các doanh nghiệp cơ khí. Bên cạnh đó là những giải pháp thiết thực về tư vấn thiết kế và công nghệ; đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm… Cần nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ công nghệ tiên tiến, sản xuất được thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực thiết kế thiết bị toàn bộ, gắn kết có hiệu quả với công nghệ của toàn ngành công nghiệp; đầu tư có trọng điểm thiết bị và công nghệ vào các khâu cơ bản như: đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị, đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp.
Đối với Hải Phòng, quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2025 đã định hướng khá rõ nét về ngành cơ khí chế tạo. Theo đó, thành phố phát triển ngành cơ khí theo  hướng đa dạng hóa sản phẩm, trong đó tập trung nhiều cho lĩnh vực cơ khí hạng nặng trong các ngành sửa chữa và đóng mới tàu thủy; chế tạo thiết bị phục vụ cảng; phương tiện vận tải hạng nặng đường bộ và đường sắt; sản xuất các cấu kiện kim loại siêu trường, siêu trọng; các loại cấu kiện phức tạp; máy móc phục vụ xây dựng cơ bản; phục vụ chế biến thủy hải sản, thực phẩm và máy công cụ chuyên dùng khác; nâng cao trình độ phát triển sản xuất ở các ngành cơ khí hiện có như chế tạo thiết bị điện (cáp điện, quạt điện…); điện tử (rô- bốt); phương tiện vận tải hạng nhẹ; xe máy các loại… Định hướng này được phân kỳ theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có những yêu cầu cao hơn về chủng loại sản phẩm cũng như công nghệ. 
Như vậy, thành phố có sự rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với định hướng phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất trong lĩnh vực cơ khí; kêu gọi sự đầu tư vào lĩnh vực cơ khí của các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng cần có cơ chế chính sách ưu đãi nhất định đối với các doanh nghiệp cơ khí của thành phố.
Công nhân Công ty TNHH Cơ khí RK Nhật Bản tại khu công nghiệp Đình Vũ trong dây chuyền sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH Cơ khí RK Nhật Bản tại khu công nghiệp Đình Vũ trong dây chuyền sản xuất.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp chuyên sâu

Đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp cơ khí Hải Phòng. Đề án thành lập Khu  công nghiệp hỗ trợ, chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản đã được thành phố chỉ đạo xúc tiến xây dựng từ cuối năm 2011. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực phối hợp với các ngành liên quan xây dựng đề án trình UBND thành phố. Cuộc hội thảo lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia từ các Bộ, ngành trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia Nhật Bản được tổ chức giữa tháng 6- 2012. Cuối tháng 9, cơ quan soạn thảo hoàn thiện bản đề án báo cáo UBND thành phố xem xét, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ.
Điều đáng lưu ý là hầu hết ý kiến tham gia về xây dựng khu công nghiệp chuyên sâu của Hải Phòng đều đưa ra lời khuyên nên tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, quan điểm chung của Nhật Bản là trong giai đoạn này, Việt Nam vẫn cần xây dựng ngành công nghiệp chế tạo nhằm tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm và chuyển dần từ công nghệ gia công, lắp ráp sang sản xuất, chế tạo. Điều thuận lợi là Nhật Bản đã khảo sát và chọn Hải Phòng là địa điểm thích hợp với chế tạo cơ khí vì có cảng nước sâu để xuất khẩu hàng hóa. Hơn nữa, đối với ngành cơ khí, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực này đang hoạt động mạnh tại Việt Nam như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, Suzuki Việt Nam… Các doanh nghiệp này tạo ra một thị trường lớn cho việc sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử và cơ khí tại Việt Nam để cung cấp cho các nhà sản xuất, lắp ráp của Nhật Bản, tiến tới xuất khẩu.  Nhật Bản lại là nước công nghiệp phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp của Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí đều yêu cầu các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Nhật Bản (tiêu chuẩn JIS). Do đó, để phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành cơ khí tại Việt Nam cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp của Nhật Bản tại Việt Nam và tiến tới xuất khẩu, sự giúp đỡ về máy móc, thiết bị, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tài chính của Nhật Bản là hết sức quan trọng. Và như vậy, khi Hải Phòng đã được các nhà đầu tư Nhật Bản chọn lựa càng nên xúc tiến đẩy nhanh quá trình xây dựng,  phát triển mô hình khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu về cơ khí chế tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, kèm theo là khu nhà ở theo tiêu chuẩn của Nhật Bản để người Nhật sử dụng. Các sản phẩm dự kiến sản xuất trong Khu công nghiệp chuyên sâu do Bộ Công Thương gợi ý là chế tạo khuôn mẫu, đồ gá; dụng cụ- dao cắt; máy gia công cơ khí, máy hàn, dụng cụ đo lường, kiểm tra dùng trong cơ khí; chi tiết máy  (bulon, ốc vít chịu lực, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại; hộp, vỏ máy, chi tiết đột dập; hộp biến tốc; xi lanh thủy lực; thiết bị điều khiển tự động; phụ tùng máy công cụ; phụ tùng máy động lực và nông nghiệp…); thép chế tạo… 
Như vậy, với việc có định hướng rõ nét, có cơ chế chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cơ khí và đặc biệt là mô hình Khu công nghiệp hỗ trợ, chuyên sâu về cơ khí chế tạo để thu hút nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản, sẽ là những bước đi quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí Hải Phòng, đưa ngành này trở lại với vị trí quan trọng hàng đầu trong phát triển công nghiệp của Hải Phòng tới năm 2025 và cả những năm sau.

                                                                Minh Huệ (nguồn: theo Hồng Thanh, http://baohaiphong.com.vn)

Các bài khác
Đang Online : 5 Đã Online : 288400